Các doanh nghiệp ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm tại Hội thảo.
Tỉnh Lai Châu với tổng diện tích đất tự nhiên trên 9.000 km2, trong đó có hơn 638.000ha đất nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực như: chè, lúa, cây ăn quả, cây dược liệu.... Hiện nay, ngành nông nghiệp Lai Châu đã đưa nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; chú trọng đến việc chuyển đổi số nông nghiệp để có thể áp dụng vào sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói cũng như công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất…; xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,23%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn; chè búp tươi 44.000 tấn; cây ăn quả các loại 54.000 tấn; chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt gần 467 tỷ đồng/năm… Tuy nhiên, giá trị của từng mặt hàng chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô ngành nông nghiệp còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu ngành còn chậm; hạ tầng giao thông, điện, viễn thông phát triển chưa đồng bộ; trình độ lao động kỹ thuật, lao động phổ thông còn thiếu; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp còn ít, việc phổ biến, áp dụng công nghệ, kỹ thuậ còn hạn chế. Hội thảo là là dịp để các hộ sản xuất kinh doanh của tỉnh và các đơn vị tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những chuyên đề: Chuyển đổi số trong Nông nghiệp - Câu chuyện từ thực tế MEVI ECO SYSTEM; kinh nghiệm trong xử lý môi trường, xử lý ô nhiễm đất, nước, xử lý rác thải thành các chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường; chia sẻ về việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ đa kênh trong quản lý sản xuất và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong Bảo quản và chế biến Nông Lâm sản; kinh nghiệm nghiên cứu theo chuỗi giá trị gia tăng cho sản xuất dược liệu - Bài học phát triển sản phẩm từ cây Đương quy"; Kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; kinh nghiệm về sử dụng vi sinh trong trồng cây ăn quả… Hội thảo đã giới thiệu về những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Các huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp cần khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm.Từ đó, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Nhân dịp này, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp của Lai Châu đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số Tập đoàn, công ty, nhà đầu tư tham dự Hội thảo.
Bình Nguyên