00:00 Số lượt truy cập: 3040454

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới ở huyện Đơn Dương 

Được đăng : 21/08/2023
Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới và mang lại hiệu quả rõ nét.

tr-binh

Ảnh minh họa

Trong sản xuất đã phát triển các vùng chuyên canh rau, cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung với trình độ thâm canh ngày càng cao, năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện. Chăn nuôi bò sữa phát triển thành vùng có quy mô tập trung lớn. Cụ thể, sử dụng giống mới chất lượng cao: 100% giống cây lương thực, 100% giống rau hoa, trên 80% giống cây công nghiệp... đã ứng dụng giống mới. Kỹ thuật ghép cây trên cây rau, cây ăn quả được ứng dụng rộng rãi. Trong chăn nuôi đàn bò được cải tạo theo hướng Sind hóa, đàn bò sữa sử dụng tinh giới tính để nhân đàn đã được ứng dụng phổ biến.

Ứng dụng vật tư đầu vào chất lượng cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, các loại phân bón chất lượng cao chuyên dùng cho hệ thống tưới tự động, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh... từ đó đã góp phần tiết kiệm chi phí và an toàn cho môi trường.

Trên 82% diện tích rau, hoa được ứng dụng sản xuất theo công nghệ cao như trồng rau thủy canh, rau hữu cơ, sử dụng màng phủ nông nghiệp, nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, bón phân qua hệ thống tưới,... đã tạo cho cây có năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm đảm bảo an toàn. Trong chăn nuôi đã và đang chú trọng đầu tư tiến bộ kỹ thuật từ khâu chuồng trại đến ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa theo hướng nông trại, gia trại... đảm bảo các yêu cầu đề ra, tạo điều kiện tốt nhất cho đàn bò sữa phát triển. Các loại nông sản thu hoạch được ứng dụng sơ chế trước khi đóng gói. Trong chăn nuôi bò sữa hầu hết ứng dụng máy vắt sữa.

Kết quả, phát triển sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao đạt kết quả trên cả ba mặt về nhận thức, về giá trị sản xuất, về nhân rộng mô hình. Trong chăn nuôi đàn bò sữa phát triển theo quy mô tăng đàn mở rộng địa bàn và đối tượng chăn nuôi.

Thông tin tiếp cận và ứng dụng công nghệ được phổ biến tới bà con từ nhiều kênh khác nhau như các mô hình, các buổi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tham quan học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Trong những năm qua, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực rau, hoa, chăn nuôi bò sữa đã giúp nền nông nghiệp của huyện tăng trưởng đáng kể. Năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng cải thiện, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Sản xuất phát triển là cái gốc xây dựng thành công nông thôn mới.

Trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện một cách sâu rộng gắn với chương trình tái cơ cấu nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng cao, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhất là lĩnh vực rau, hoa, bò sữa; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng giống mới, cây con mới và các tiến bộ kỹ thuật mới; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu... thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn.

 

Vân Anh