Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 3/2/2015 về "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và những năm tiếp theo", Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tập trung mạnh hơn vào lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến kiến thức và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp và nông thôn. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: thông qua Bản tin Nhà nông Hà Tĩnh, phối hợp với Đài PTTH tỉnh xây dựng chuyên mục “Chuyện làng quê” để tuyên truyền, phổ biến những mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ KH&CN, hàng năm Hội Nông dân Hà Tĩnh ký kết chương trình phối hợp với Sở KH&CN. Công tác phối hợp hoạt động giữa hai cơ quan được thực hiện khá tốt, đạt yêu cầu của chương trình, kế hoạch đề ra. Hội đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, như: Sử dụng men vi sinh để sản xuất phân bón bằng việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp; sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi... Hỗ trợ hội viên, nông dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong SXKD, dịch vụ; tập huấn, phổ biến kiến thức KHKT và công nghệ cho hội viên, nông dân. 5 năm qua các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được hơn 3.500 cuộc tuyên truyền cho 22.750 lượt người. Nội dung tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến KH&CN, nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai thực hiện các đề án, dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đến các hội viên, nông dân, kết hợp với đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Để thực hiện thành công Đề án, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng KHKT&BVCTVN tỉnh, huyện tổ chức được 2.085 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho gần 200.000 lượt hội viên, nông dân về các kiến thức trồng trọt, đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất cánh đồng mẫu, các loại rau, củ, quả, hoa có năng suất cao; mô hình chăn nuôi lợn liên kết với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao... Tổ chức 580 lớp tập huấn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ làm phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 40.068 hội viên, nông dân tham gia; bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho 1200 cán bộ, hội viên, nông dân; tập huấn về hợp tác xã, tổ hợp tác cho cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh; phát 54.460 tờ rơi về kỹ thuật phân loại rác và xử rác thải tại hộ gia đình cho hội viên, nông dân. Tổ chức gần 300 đợt tham quan học tập mô hình trong và ngoài tỉnh cho hơn 8.000 cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức hàng trăm hội thảo về kỹ thuật canh tác đối với một số cây trồng cho hơn 6000 hội viên, nông dân.
Các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật; chú trọng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất theo hướng nông sản an toàn, an toàn sức khỏe cộng đồng, đảm bảo về môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Vận động hội viên nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế việc sử dụng cạn kiệt hay hủy diệt các nguồn tài nguyên, như: tuyên truyền vận động hội viên, nông dân trồng và bảo vệ rừng, không khai thác rừng bừa bãi; không khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy hải sản bằng hình thức hủy diệt (sử dụng chất nổ, đánh bắt vào mùa sinh sản, sử dụng xung điện…), không xả chất thải độc hại ra môi trường…; sử dụng các chế phẩm sinh học khử các mùi hôi thối, xử lý chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường. Phối hợp với Sở Khoa học công nghệ nắm bắt nhu cầu về chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất cho hội viên, nông dân để có hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân. Hiện nay Hội Nông dân Hà Tĩnh đang phối hợp với Sở KHCN để thực hiện đề án nhân rộng mô hình nuôi ong. Vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng cuộc thi “sáng tạo kỹ thuật của nhà nông”, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tháng 6/2019 Ban Chấp hành Hội Nông dân Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 01 và Đề án về “Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải, kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình và cụm dân cư”, đây là nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Hội Nông dân Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2018-2023, nhằm tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, thu gom rác ủ phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Công tác đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân được Ban Chấp hành Hội Nông dân Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, nhiệm kỳ 2013-2018 đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNDT về “Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân”, từ đó các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 09-NQ/HNDVNTWcủa TW Hội về tăng cường công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm nông dân. Từ 2013-2018 các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã đào tạo nghề cho 22.655 lượt nông dân (trong đó trực tiếp đào tạo 5.145 lượt, phối hợp đào tạo 17.510 lượt). Phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT-BVCTVN, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tổ chức 5.500 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 106.900 lượt học viên. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức 108 lớp tập huấn về chăm sóc và phòng bệnh trên các loại cây ăn quả, cây lúa và hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản, kiến thức phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây rau, kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp cho 9.720 lượt người; tổ chức 19 cuộc hội thảo đầu bờ cho 1.102 hội viên nông dân; tổ chức cho 130 hộ tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình SXKD giỏi, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong và ngoài tỉnh; chất lượng các lớp đào tạo nghề được học viên và chính quyền địa phương đánh giá cao, sau học có trên 80% học viên có việc làm, tăng thu nhập từ nghề đã học. Cùng với đào tạo nghề, hoạt động giới thiệu tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cũng được các cấp Hội tích cực triển khai. Thường xuyên cung cấp thông tin các chính sách về việc làm, thị trường lao động trong và ngoài nước để hội viên, nông dân có cơ hội lựa chọn. 5 năm qua đã giới thiệu việc làm cho 152 lao động cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội thảo tư vấn XKLĐ cho trên 17 ngàn lượt người, giới thiệu 1.436 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động hỗ trợ về vốn, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp và khoa học kỹ thuật được Ban Thường vụ Hội Nông dân Hà Tĩnh đẩy mạnh. Trên cơ sở nội dung của Kết luận 61 KL/BCT, quyết định 673 QĐ-TTg, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh”; tham mưu thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành, thị thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện; huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, các hội viên nông dân đóng góp. Hiện nay tổng nguồn vốn các cấp Hội quản lý đạt 32,616 tỷ đồng (tăng 2,050 tỷ so với cuối năm 2018; cấp tỉnh tăng 1 tỷ, cấp huyện tăng 2,250 tỷ). Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT tín chấp để cung ứng vốn cho nông dân, các nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ hai ngân hàng đạt 3.542.284 tỷ đồng (trong đó ngân hàng CSXH là 1.664.622 tỷ đồng, cho 42.859 hộ vay; Ngân hàng NN&PTNT là 1.877.662 tỷ đồng, cho 30.349 hộ vay). Chủ động liên kết với các ngành, doanh nghiệp, các công ty cung ứng phân bón, giống cây con và các loại vật tư, thiết bị máy móc cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng cho bà con nông dân theo phương thức trả chậm để phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân. 5 năm qua đã cung ứng 39.316 tấn phân bón, 13.569 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, 900.500 cây giống, 700.250 con giống các loại; 1.114 máy cày đa chức năng, máy gặt, gieo hạt, xay xát, chế biến. Riêng 6 tháng đầu năm nay cung ứng 3.569 tấn phân bón các loại phục vụ sản xuất, 750 tấn thức ăn gia súc, 78 tấn lúa, lạc giống, trên 320 ngàn cây giống, 11.500 con giống các loại cho bà con nông dân.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh còn hỗ trợ nông dân về thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, thành lập cửa hàng kết nối với các cơ sở sản xuất, các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ nông sản; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm của nông dân Hà Tĩnh. Phối hợp với Sở KHCN vận động, hướng dẫn nông dân đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Để nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân thông qua các mô hình điểm như:“Vận động nông dân chấp hành pháp luật về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch”; phát hành Cẩm nang tư vấn pháp luật cho nông dân; phối hợp với các ngành mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; thành lập mới các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật nhằm trang bị kiến thức pháp luật trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân. 5 năm qua đã tổ chức được 6.900 buổi tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho trên 453.300 lượt người; thành lập mới 59 CLB Nông dân với pháp luật với 2.950 thành viên.
Từ thực tế hoạt động của Hội Nông dân Hà Tĩnh đã khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết hợp đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân; nó thực sự là “công cụ”, là “phương tiện” hữu hiệu đối với công tác Hội và phong trào nông dân. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xác định, công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết hợp đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân là đòn bẩy để thúc đẩy các phong trào thi đua và đã đạt được kết quả đáng mừng; Hội Nông dân Hà Tĩnh đã được Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2015), Trung ương Hội tặng cờ thi đua xuất sắc nhiệm kỳ 2013-2018.
Hoạt động khoa học và công nghệ tạo nên nền tảng kiến thức, hiểu biết, kỹ năng của người lao động, vừa thúc đẩy vừa là cơ sở cho sản xuất và xã hội phát triển. Khoa học công nghệ có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao với chi phí thấp hơn. Đồng thời, KHCN giúp cải tiến, tối ưu hóa các sản xuất, kinh doanh, công nghệ giải phóng sức lao động, thay thế sức người bằng máy móc, thiết bị để giảm bớt lao động nặng nhọc, thủ công, thay đổi quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, KHCN chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Hiệu quả công tác phối hợp giữa Sở KHCN với Hội Nông dân tỉnh chưa cao, đang dừng lại cở công tác tuyên truyền, vận động, nguồn lực triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất còn gặp những khó khăn, như: Trình độ lý luận của cán bộ tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn kinh phí chi cho hoạt động tuyên truyền hạn hẹp, nhất là cấp xã;trình độ hiểu biết và khả năng áp dụng KHCN của nông dân còn hạn chế…
Để công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất, kết hợp đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân thời gian tới được tốt hơn, nhằm giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kĩ thuật để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Hội Nông dân tỉnh Hà tĩnh