Sản phẩm OCOP 3 sao: Chè xanh Làng Bát, Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang
Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự chuyển biến cho sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Trong những năm gần đây, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng nhanh cả số lượng và chất lượng; lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 417 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các hợp tác xã đã tích cực giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP; phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có liên quan kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee... Tính đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn, trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Về số lượng sản phẩm, tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản đến các siêu thị, các đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm có uy tín trên toàn quốc. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 04 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà -Yên Sơn, chè Shan tuyết Na Hang và rượu ngô men lá Na Hang.
Ðường giao thông ở xã nông thôn mới nâng cao Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 02/02/2023 của UBND tỉnh Ban hành quy định về “hợp tác xã có quy mô thành viên đủ lớn” thực hiện chỉ tiêu 13.1 thuộc Tiêu chí số 13 (Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 hợp tác xã, tốc độ tăng bình quân hợp tác xã khoảng 4,5%/năm, số lượng thành viên tăng bình quân 5%/năm đối với hợp tác xã và 10% đối với tổ hợp tác; lợi nhuận bình quân một hợp tác xã tăng 10%/năm, tổ hợp tác tăng bình quân 12%/năm; đảm bảo 60% số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá.
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa bảo đảm thu nhập cho thành viên và người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sinh thái…sản xuất nông nghiệp tỉnh đang đi theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, điển hình như vùng bưởi, cam, chè... Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã hai lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn...
Ngoài ra, các hợp tác xã còn đẩy mạnh Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai, nhân rộng những mô hình, đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh như: Mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình huyện Yên Sơn, quy mô 350 đàn/7 hộ; Mô hình chăn nuôi dê sinh sản thực hiện tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, quy mô 50 con/5 hộ; Mô hình nuôi cá chép ruộng gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Chiêm Hóa... Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Tuyên Quang đã làm thay đổi tư duy, sản xuất của người dân; góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Hải Nam Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2023 Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến các hợp tác xã; phát huy vai trò “cầu nối” hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đồng thời đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa hợp tác xã với hợp tác xã gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tập trung đất đai, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện vốn vay để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành viên để phát triển sản xuất, kinh doanh; đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.
Hải Long