Nhắc đến hộ làm kinh tế giỏi tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình không ai là không biết đến mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Phạm Văn Nhanh tại thôn Khê Thượng, xã Yên Đồng. Với diện tích trên 4 ha kết hơp nuôi thỏ New Zealand và đào ao thả cá, chăn nuôi dê mô hình đem lại cho anh doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Phạm Văn Nhanh bên đàn thỏ của gia đình
Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nhanh vào một chiều cuối tháng 12 và rất bất ngờ về sự đặc biệt của trang trại này là ông chủ chỉ mới có 30 tuổi nhưng có tầm nhìn, cách sắp xếp quy hoạch trang trại rất hiện đại và sạch sẽ.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu vực nuôi thỏ, anh Nhanh cho biết: “Trước đây, mình làm nghề lái xe thu nhập rất ổn định toàn trên chục triệu một tháng, mà bỏ về làm kinh tế ở khu đầm lầy không ai nhận thầu này ai cũng bảo mình hâm. Nhưng các cụ ở nhà cũng có tuổi, nhìn đồng đất mênh mông mà không ai làm cả cảm thấy tiếc nuối những dự định của tuổi trẻ. Vì vậy, nên mình đã quyết định quay về quê hương để tu sửa và phát triển đồng đất mà gia đình đã xin đấu thầu sử dụng”.
Năm 2014, không ai nghĩ chàng trai trẻ chỉ có 24 tuổi lại lên chiến lược làm kinh tế chia theo từng giai đoạn như vậy. Xác định làm mô hình phải đầu tư thử nghiệm; tái đầu tư, xây dựng củng cố; rồi đến phát triển. Nên anh Nhanh đi khắp các nơi để thăm quan và học tập các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy giống thỏ new zealand là loài dễ nuôi và chăm sóc nên anh đánh liều nuôi thử nghiệm. Nghĩ là làm, anh đầu tư chuồng trại và nuôi thử nghiệm 100 con thỏ cái và 20 con thỏ đực.
Chủ động tìm tòi, nghiên cứu và học tập nhưng có những lúc tưởng chừng mô hình thất bại do thiếu vốn, thời tiết bất thường, cơ sở hạ tầng đơn sơ, dụng cụ và kỹ năng kinh nghiệm còn hạn chế, chưa kể thỏ ốm 1 con là lây sang cả đàn. Nhưng những điều đó không làm anh nản lòng. Suy tính chiến lược về lâu dài cần có kỹ thuật bài bản và cần vốn để tái đầu tư nên anh Nhanh lựa chọn giải pháp liên kết với các cơ sở khác để học tập và quay vòng nguồn tiền. Khi có lợi nhuận sau mỗi lần nuôi, anh lại tái đầu tư vào phát triển mở rộng chuồng trại.
Sau khi trình bày với ngân hàng về định hướng trang trại của mình anh đa được ngân hàng nông nghiệp và hỗ trợ nông dân huyện giải ngân cho vay vốn ưu đãi 200 triệu đồng để mở rộng và mua thêm các con giống vật nuôi.
Bên cạnh đó, anh còn nhận được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Yên Đồng tài trợ đưa đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật các mô hình tại Thanh Hóa, Hà Nội; Hội Nông dân xã cũng liên hệ Trung tâm giống thủy sản tỉnh trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật nuôi ứng dụng công nghệ cao cho anh.
Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí, anh Nhanh trực tiếp tham gia làm các công đoạn trong mô hình, từ việc chăm sóc, đến khám, chữa bệnh cho vật nuôi...; chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những chủ mô hình thành công; các khoa học kỹ thuật mới về chăn nuôi thông qua các kênh thông tin truyền thông để có thể áp dụng vào thực tiễn.
Đầu tư xây dựng hoàn toàn khép kín dãy nhà lạnh gồm hệ thống quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động... vào trang trại của mình để sản xuất theo chuỗi. Anh Nhanh cho biết: “Giống thỏ New Zealand là giống thỏ có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon, hấp dẫn. Trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ được khoảng 8 lứa, mỗi lứa khoảng 6-8 con. Thỏ thương phẩm đạt trọng lượng cao từ 2,2 – 2,5 kg”. Khi nuôi giống thỏ này, gia đình anh không phải lo đầu ra vì có các thương lái đến tận nhà thu mua với giá trung bình từ 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Sau thời gian gần 6 năm thiết lập và định hình mô hình phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trang trại của anh Nhanh đang nuôi 1200 con thỏ trong đó 200 thỏ nái và 1000 thỏ con. Trang trại sản xuất bán giống thỏ là chủ yếu. Tạo việc làm cho 5 lao động lúc nông nhàn với mức lương 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ anh Nhanh cho biết: “Tuy thỏ là giống dễ nuôi, nhưng người chăm sóc cần cẩn trọng trong thức ăn của thỏ phải đảm bảo chất lượng kiểm định vì thỏ rất dễ bị các bệnh về đường ruột và hô hấp. Trang trại chúng tôi sử dụng nhà lạnh, khép kín để môi trường mát về mùa hè, ấm về mùa đông đảm bảo môi trường sống cho thỏ”.
Bên cạnh đó, để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ thỏ và diện tích canh tác rộng rãi, anh Nhanh còn đào ao, ke bờ nuôi cá thương phẩm. Với diện tích 7 mẫu ao gồm 4 ao nổi và 1 ao nuôi cá giống. Trang trại nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ và cá trắm đen ứng dụng sử dụng các thiết bị công nghệ cao như máy tạo sóng, máy bắn thức ăn tự động. Ngoài ra, anh còn nuôi 40 con dê và 2000 vịt thả đồng. Từ các nguồn trên hiện nay doanh thu của gia đình anh khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Anh Nhanh dự kiến mở rộng trang trại thỏ tăng số lượng đàn lên 2000 con và khi 3 ao mới xây dựng đi vào hoạt động thì hướng tới doanh thu các năm tiếp theo là 3-5 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, Anh Nhanh còn chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên nông dân trong xã, huyện về kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi. Từ đó, cũng có nhiều hội viên nông dân mạnh dạn đưa các loại con nuôi vào sản xuất và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lê Bích