Nhờ chăm sóc kỹ càng, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cà phê xen tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững
Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi lập gia đình, năm 1997, bố mẹ cho vợ chồng anh ra ở riêng với 3 sào rẫy để lập nghiệp. Thời gian đầu, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, công việc làm thuê bấp bênh, thu nhập không ổn định. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời, ngoài thời gian liên tục ở cữ thì vợ con anh đau ốm liên miên, gáng nặng cuộc sống lại càng đè nặng lên vai anh. Là hộ nghèo nhiều năm liền, chỉ trông mong vào 3 sào rẫy không đủ cho mấy miệng ăn, anh chị làm thuê, làm mướn đủ mọi việc để nuôi các con nhỏ ăn học với suy nghĩ đời mình đã không được học hành đến nơi đến chốn thì nhất định phải để các con được học mới mong thoát khỏi cảnh nghèo. Ước mơ của anh khi ấy là có được một số vốn để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế.
Biết được hoàn cảnh của anh, đầu năm 2012, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn sản xuất theo diện hộ nghèo với số tiền 15 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn được Chi hội Nông dân thôn Hiệp Đạt tạo điều kiện hỗ trợ cho vay không lấy lãi số tiền 5 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm giúp nhau của hội viên trong chi hội tự đóng góp. Anh được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật trồng cây, chăm sóc và bón phân cà phê, tiêu, kỹ thuật làm cành, tạo tán, ghép cà phê, và tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, tham gia các hội thảo đầu bờ, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả kinh tế cao; được tư vấn, hỗ trợ mua các loại phân bón chất lượng với hình thức trả chậm 50% và 100%. Được tiếp thêm động lực, vợ chồng anh nghỉ làm các công việc thời vụ trước kia để đầu tư phát triển chăn nuôi, hăng say chí thú làm ăn. Anh mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng cà phê xen tiêu và phụ nuôi thêm 01 cặp bò để lấy phân bón chăm sóc cho cây trồng tăng thêm thu nhập.
Nhờ bàn tay cần cù, chịu khó của vợ chồng anh chị, vườn cà phê, tiêu và cặp bò phát triển triển tốt qua mỗi năm. Vợ chồng anh bảo ban nhau tính toán rất chi ly, tích lũy tiền để hoàn lại vốn vay, phát triển kinh tế gia đình ổn định, lâu dài. Đến năm 2014, công việc sản xuất thuận lợi, được mùa, được giá, gia đình đã mạnh dạn mua thêm 7 sào đất trồng cà phê xen tiêu nâng tổng diện tích canh tác lên 1ha được đầu tư bài bản đúng quy trình khoa học kỹ thuật và có thêm 900m2 ao hồ nuôi cá và 1 sào ruộng trồng lúa để cải thiện phục vụ gia đình. Nhờ đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất và chăm sóc cho vườn cây nên hiệu quả năng suất ổn định, hàng năm bình quân cho thu hoạch khoảng trên 2,5 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu. Ngoài ra anh còn đầu tư mua máy cày, máy xới ruộng để phục vụ gia đình và cày thuê cho bà con trong ngoài thôn khi có nhu cầu.
Nhờ biết cách kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cộng với sự chăm chỉ, chịu khó, nên nguồn thu nhập kinh tế của gia đình anh ổn định, đời sống được nâng cao. Năm 2016, gia đình đã tích lũy xây nhà cấp bốn 100m2 với số tiền gần 300 triệu đồng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và phương tiện đi lại. Năm 2017, gia đình anh đã hoàn trả nợ cho Ngân hàng Chính sách và làm đơn xin thoát nghèo. Đến nay, từ các nguồn thu từ cà phê, tiêu và các khoản dịch vụ phụ khác đưa lại khoản thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư.
Không chỉ phát triển kinh tế giỏi ở địa phương, anh Đông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, nhân rộng mô hình vườn, ao, chuồng tăng thu nhập cho người dân góp phần xây dựng thành công chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã trong thời gian qua. Bản thân anh và gia đình luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội và địa phương phát động như quỹ khuyến học, hưởng ứng ngày vì người nghèo, tham gia chương trình nuôi heo đất giúp hộ nghèo, xây nhà đại đoàn kết, đóng góp quỹ Hỗ trợ nông dân, tham gia ủng hộ bão lụt, thiên tai….
Anh Phạm Văn Đông là tấm gương sáng đáng để học hỏi về tinh thần lao động và ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Với anh chị, lao động để thoát nghèo bền vững không chỉ là trách nhiệm với gia đình, với con cái mà còn thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm đối với địa phương và xã hội.
Gia Bảo