Trong không khí vô cùng phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh về thành quả đạt được là địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm. Đúng như những gì mà đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh luôn nhấn mạnh trong các kỳ họp: trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển; kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn…
Với nhiều cách làm quyết liệt, hiệu quả, phù hợp, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo; riêng thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua 9 nghị quyết quan trọng, trong đó đã thông qua Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho hộ gia đình thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Theo đó, quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh gồm: tiêu chí thu nhập khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định của Chính phủ hiện nay. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ và của tỉnh.
Để đạt được chỉ tiêu của nghị quyết đề ra chính là sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về công tác giảm nghèo của các cấp uỷ Đảng và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tạo đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là sự tham gia của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo, trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Chuẩn nghèo đa chiều là căn cứ để xây dựng các chính sách về giảm nghèo như hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường...Với phương án lựa chọn chuẩn nghèo đa chiều riêng bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt quan tâm đến dự kiến nguồn ngân sách để triển khai thực hiện các chính sách liên quan trực tiếp đến chuẩn nghèo này, tránh tình trạng không đủ nguồn lực thực hiện; dự báo, đánh giá các nguy cơ dẫn đến tái nghèo và phát sinh nghèo để có giải pháp điều chỉnh chuẩn nghèo phù hợp.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cũng phải dành nguồn lực lớn từ ngân sách, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp để hoàn thiện tất các dịch vụ xã hội cơ bản cung cấp tới các hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng phải được đổi thay hoàn toàn đồng bộ, hiện đại, liên thông từ tỉnh tới thôn, bản. Các mô hình, các cơ sở sản xuất gắn với giải quyết việc làm phải được phát triển đồng bộ, rộng khắp, đời sống người nghèo phải được cải thiện và nâng cao. Phấn đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%...
Như vậy, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ được mở rộng. Ngoài 2.712 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.888 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo các đại biểu HĐND tỉnh, việc nâng chuẩn nghèo mới, ngoài đối tượng được nâng lên thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền phải được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tiến hành rà soát các tiêu chí đo lường đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng lộ trình giảm nghèo phù hợp. Đồng thời, đánh giá rõ các tác động của việc nâng chuẩn nghèo đến các chính sách khác có liên quan và kinh phí thực hiện các chính sách để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Nhật Anh