Tham gia chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào việc thực hiện chương trình, huyện Phú Xuyên là huyện có xuất phát điểm vào dạng thấp của TP Hà Nội, trung bình các xã mới đạt từ 5 đến 6 tiêu chí.
Với sự quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của người dân, diện mạo nông thôn huyện Phú Xuyên đã có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng không ngừng được đổi mới, đời sống người dân ngày một được nâng cao. Nhờ sự nỗ lực chung toàn đảng, toàn dân trong hơn 10 năm qua, đến năm 2020, huyện Phú Xuyên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhận và nắm rõ được những ưu điểm, những hạn chế của địa phương trong việc đáp ứng các tiêu chí chuẩn NTM, trong phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.060 ha đất trong đó có 2.830 ha được chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao 400 ha, thủy sản 300 ha, rau an toàn ở xã Minh Tân 159 ha, rau cần ở xã Khai Th.ái 30 ha, bưởi thồ ở xã Bạch Hạ 40 ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cụ thể ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ 29,1%, nông lâm thủy sản 15,6%.
Để đẩy mạnh và nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, ngoài việc tận dụng những cơ hội, sự chia sẻ nguồn lực sẻ của Thành phố Hà Nội, Phú Xuyên đã tháo gỡ thế khó khăn về vốn trong xây dựng NTM bằng cách xã hội hóa để kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, của nhân dân cũng như của các con em xa quê thành đạt. Cụ thể, người dân trong huyện đã đóng góp 43.690 ngày công, 276.347 triệu đồng và hiến hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp cũng như đất ở trị giá hàng chục tỉ đồng để mở rộng cơ sở hạ tầng công cộng, đường giao thông nông thôn.
Việc tuyên truyền vận động người dân địa phương ở ác thôn, xã đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn rất được chú trọng, điển hình như như gia đình ông Phạm Quang Bửu ở xã Phúc Tiến ủng hộ hơn 300 triệu đồng để xây kè giếng đình và làm đường giao thông cho thôn; gia đình bà Nguyễn Thị Lân và ông Vũ Văn Phú ở xã Đại Thắng mỗi nhà ủng hộ gần 100 triệu đồng để làm đường giao thông cho thôn và kè ao hồ; gia đình ông Vũ Anh Đào ở xã Phúc Tiến hiến gần 40m2 đất thổ cư trị giá vài trăm triệu đồng để mở rộng đường giao thông cho thôn, giúp dân làng đi lại thuận tiện…
Sự chung tay của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo dựng một cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nâng cao chất lượng về văn hóa, y ế, giáo dục, cải thiện môi trường sống nông thôn, tạo cơ chế đôi bên cùng có lợi đã được Phú Xuyên tận dụng triệt để.
Việc xã hội hóa càng thể hiện rõ nét ở những xã xây dựng NTM nâng cao. Như ở xã Tri Trung, trong 2 năm qua đã huy động được 131 tỷ đồng triển khai xây dựng NTM nâng cao trong đó có 8,2 tỷ đồng là vốn xã hội hoá. Nhờ đó mà xã có 3 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong đó có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã cũng đã xây dựng được trung tâm văn hoá thể thao quy mô hơn 8.800m2 khang trang, sạch đẹp, các nhà văn hoá, khu thể thao thôn với những sân bóng chuyền, cầu lông sáng, chiều người dân tập thể dục thể thao…Xã không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản như một số địa phương khác.
Ánh Dương