00:00 Số lượt truy cập: 2990381

XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI NÒNG CỐT TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ 

Được đăng : 29/09/2020

Hội Nông dân thành phố Thái Nguyên hiện có 32 cơ sở Hội, gần 24.000 hội viên, sinh hoạt tại 402 chi hội. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các ngành, cùng với sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, hội viên nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Thành phố đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Liên tục được tặng cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; phong trào ngày càng phát triển sâu rộng trong hội viên nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố và của Hội.

Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” là phong trào trọng tâm của Hội. Hội Nông dân thành phố Thái Nguyên tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký thi đua theo đúng quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xem đây là một trong những chỉ tiêu để xếp loại thi đua hàng năm. Việc tuyên truyền về phong trào sản xuất kinh doanh giỏi gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, sinh hoạt chi hội, Câu lạc bộ, các buổi Hội thảo, tham quan học tập mô hình, kết hợp thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Giới thiệu và tổ chức cho cán bộ hội viên nông dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các hộ có mô hình  sản xuất hiệu quả như: mô hình cây ăn quả tại xã Đồng Liên, trồng hoa chất lượng cao tại phường Túc Duyên, Huống Thượng, Linh Sơn, chăn nuôi an toàn tại Tích Lương, trồng rau an toàn tại xã Huống Thượng, trồng và chế biến chè an toàn tại Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Cùng với đó, Hội đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, diện tích đất và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất.

Hàng năm, chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức phát động phong trào thi đua, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào và kịp thời biểu dương, khen thưởng, cấp giấy chứng nhận cho các hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi và biểu dương khen thưởng các hộ tiêu biểu xuất sắc trong dịp tổng kết cuối năm ở xã, phường. Qua đó, đã khích lệ phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, từ năm 2017 -2019 có trên 42.000 lượt hộ đăng ký thi đua, đạt trên 70% tổng số hộ hội viên.  25.000 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bằng 58% tổng số hộ đăng ký thi đua, hàng năm có thu nhập từ 300 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. điển hình như hộ gia đình bà Lê Thị Thanh, xã Cao Ngạn chăn nuôi gà thu nhập 550 triệu đồng/năm, hộ ông Nguyễn Văn Tuyến xã Đồng Liên mô hình trồng nấm thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm, hộ gia đình ông Nguyễn văn Bằng phường Cam Giá mô hình trồng Đào cảnh thu nhập 850 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Vũ Ngọc Nhân xã Đồng Liên mô hình trồng cây ăn quả và sản xuất giống cây các loại thu nhập trên 1,8 tỷ đồng mỗi năm bà Đào Thị Hảo, xã Tân Cương sản xuất, kinh doanh chè thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm và nhiều mô hình tiêu biểu khác.

Việc xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao được các cấp hội quan tâm chỉ đạo, với nhiều biện pháp hỗ trợ. Các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức 250 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong và ngoài tỉnh, Ủy thác của Ngân hàng chính sách trên 60 tỷ đồng, 5,35 tỷ đồng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của thành phố, tỉnh, Trung ương Hội; cung ứng vật tư phân bón trả chậm để giúp nông dân phát triển sản xuất. Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thực sự trở thành động lực, khuyến khích nông dân làm giàu góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng củng cố tổ chức hội vững mạnh.

Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, tư vấn, các cấp Hội cũng đã góp phần thúc đẩy ý chí, quyết tâm làm giàu của hội viên, nông dân; nhiều người không những tập trung mở rộng sản xuất để hình thành nên các trang trại kinh tế theo mô hình VAC có quy mô lớn mà còn biết liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển theo chuỗi giá trị. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 150 trang trại cho thu nhập bình quân từ 300 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm; 7 mô hình hợp tác xã có mắ lợi nhuận bình quân trên 500 triệu đồng/năm; 42 mô hình tổ hợp tác, nhóm sở thích điển hình như: Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu; trồng rau an toàn tại xã Huống Thượng; Trồng hoa đào cảnh tại phường Cam Giá; trồng ổi tại xã Linh Sơn, chăn nuôi gà thả đồi tại xã Đồng Liên, trồng hoa cây cảnh tại phường Túc Duyên, Gia Sàng; Trồng Quất cảnh tại phường Thịnh Đán, xã Thịnh Đức… Trong đó, nhiều mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao từ 200 triệu cho đến chục tỷ đồng/năm. Từ những mô hình kinh tế phát triển hiệu quả đã góp phần gia tăng thu nhập bình quân tính theo đầu người ở khu vực nông thôn thành phố hiện đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Van Khôi