Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 cơ bản đã đạt được các mục tiêu của chương trình đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6% (đạt theo kế hoạch). Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn. Và, dự kiến 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu của chương trình đề ra. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời chúng ta cũng đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với các đối tượng chủ lực như tôm giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra. Hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương GlobalGAP, ASC.BAP). Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24.900 tàu (vượt chỉ tiêu chương trình). Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ngành thủy sản phát triển nhanh, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng dư địa phát triển vẫn còn rất lớn, đây là cơ hội để đưa ngành thủy sản tiếp tục phát triển.
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) - đơn vị tư vấn đã đưa ra dự thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD; đồng thời giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động.
Linh Đan