00:00 Số lượt truy cập: 3041426

Xây dựng nông thôn mới gắn sản xuất nông nghiệp an toàn 

Được đăng : 29/11/2022

nongnghiepantoan

Cán bộ kỹ thuật cùng bà con nông dân kiểm tra mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn, nói không với thực phẩm bẩn trên cây rau cải canh tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà

 

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sau hơn 10 triển khai thực hiện đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn quốc, diện mạo nông thôn nước ta nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đã có những chuyển biến rõ nét nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Với lợi thế về điều kiện tự nhiện, đất đai khí hậu, sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã có bước phát triển toàn diện, sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó 136/182 xã đạt chuẩn NTM chiếm 75%, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 150 thôn NTM kiểu mẫu, phấn đấu hết năm 2022 sẽ có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM; thêm 19 xã NTM nâng cao và thêm 77 thôn đạt NTM kiểu mẫu, có tối thiểu 200 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên; thu nhập bình quân khu vực vùng nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm. Đóng góp vào thành tích chung đó có sự tham gia tích cực của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh bằng nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh theo hướng an toàn, bền vững. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Sản xuất nông nghiệp vô cơ đã tạo đột phá về năng suất cây trồng, đồng thời cũng để lại những tác động xấu đến đất đai, an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sinh thái nếu áp dụng trong thời gian dài. Trước những nguy cơ đó, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống (như phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc tăng trọng, hóa chất bảo quản…) và sản xuất nông nghiệp an toàn chính là giải pháp. Theo đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu được Hội Nông dân định hướng và người dân lựa chọn.

Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao được xây dựng thành công và nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, đã có sức lan toả lớn trong phong trào xây dựng nền nông nghiệp an toàn hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, như: 02 mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn nói không với thực phẩm bẩn trên cây rau cải canh tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà với quy mô 1,8ha và trên cây ngô ngọt tại xã Quang Tiến huyện Tân Yên với quy mô 02 ha; 20 mô hình sử dụng chế phẩm HTMaxgest trong chăn nuôi gắn bảo vệ môi trường, 13 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm, rạ tạo phân bón hữu cơ; mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ trên cây vải thiều tại huyện Lục Ngạn với quy mô 1ha, trên cây chè Bản Ven quy mô 0,5ha; mô hình trồng cây ba kích tím tại xã Thanh Luận, huyện Sơn Động với quy mô 10ha; mô hình sản xuất dứa sạch tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang 150ha;mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường (4 MH với diện tích 8,7 ha tại xã Tiến Dũng, Tư Mại huyện Yên Dũng, xã Nghĩa Hưng, Đào Mỹ huyện Lạng Giang). Bên cạnh những mô hình về trồng trọt, các mô hình trong chăn nuôi cũng phát huy hiệu quả tốt như: 03 mô hình nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học tại xã Lão Hộ, xã Tiến Dũng huyện Yên Dũng, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, quy mô 03 ha); mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và xử lý chuồng trại,…

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp an toàn là giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường, sức khoẻ nông dân do việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ; quan tâm hơn đến việc cải tạo đất, sử dung phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Từ các mô điểm kể trên, đến nay các địa phương trong tỉnh đã duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, đã quy hoạch và xây dựng 03 vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Song Mai, Tân Mỹ và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang với diện tích hơn 30ha; có hơn 100ha lúa canh tác thân thiện với môi trường, đa số các trang trại chăn nuôi lớn đã sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi điển hình là mô hình chăn nuôi hộ ông Hoàng Đình Quê xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng. Từ thành công của các mô hình điểm, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục khảo sát, nhân rộng các mô hình và phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất, từng bước hình thành các vùng “nông nghiệp an toàn”.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã phát huy được các chính sách nhà nước đến với nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Người dân được hỗ trợ giống, vật tư, chuyển giao KH-KT, được hỗ trợ vốn, thông tin thị trường,… Bên cạnh tập huấn kỹ thuật cho hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tích cực nhân rộng mô hình “Nông dân dạy nông dân” để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Từ những kết quả đạt được, một lần nữa khẳng định việc xây dựng NTM gắn các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn là định hướng đúng đắn, là nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai và nhân rộng kịp thời tại các địa phương trong cả nước trong thời gian tới nhằm góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Bắc Hà