00:00 Số lượt truy cập: 3041418

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông - Diện mạo nông thôn đổi thay 

Được đăng : 27/06/2023
Đắk Nông là tỉnh miền núi ở Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 6.515,6km2, dân số gần 630.000 người thuộc 40 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 31,47%; dân số khu vực nông thôn chiếm 85%. Với xuất phát điểm của Đắk Nông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là rất thấp, năm 2011: tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 29,25%, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn chỉ đạt 15 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn thấp kém. Về đánh giá theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh đạt bình quân 3,1 tiêu chí/xã; trong đó xã đạt cao nhất 9 tiêu chí, 46 xã đạt dưới 5 tiêu chí".

dsc065011112

Nhiều huyện ở Đắk Nông đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới 

Bằng việc huy động toàn xã hội và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông nhanh chóng đạt kết quả. Đến nay, hơn 40% số xã ở Đắk Nông đã về đích nông thôn mới. Đắk Nông hướng đến mục tiêu, năm 2025 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng. Nhiều vùng quê không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trù phú, giàu có và tiệm cận khu vực đô thị. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, Đắk Nông đã huy động các nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn cho xây dựng nông thôn mới hơn 154.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động cộng đồng (bao gồm ngày công, tiền mặt, hiến đất, cây trồng để đối ứng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng) gần 2.500 tỷ đồng. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm Đắk Nông huy động hơn 20.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn. Nguồn lực đầu tư năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2021, Đắk Nông huy động được 21.000 tỷ đồng, thì năm 2022 tăng lên hơn 24.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đến tháng 5-2023, Đắk Nông có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Gia Nghĩa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất 50ha hồ tiêu sạch, an toàn của 25 xã viên Hợp tác xã Đồng Thuận, ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp cho doanh thu gần 5 tỷ đồng/năm; mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực của 120 hộ đồng bào dân tộc Mnông, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, mỗi năm thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi; mô hình trồng 3ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Quyền, thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp mỗi năm cho sản lượng 48 tấn, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng... Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 43 xã đạt nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh bình quân đạt 17,2 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm. Nông thôn Đắk Nông phát triển theo hướng nông dân ngày một giàu có, thịnh vượng; khu vực nông thôn từng bước tiệm cận đô thị...". Theo chia sẻ của lãnh đạo các xã đã về đích nông thôn mới cho thấy một điểm chung để thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không nóng vội chạy theo thành tích mà phải thực chất và muốn bền vững phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa để được mục tiêu cốt lõi là tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nguồn lực, thích ứng với điều kiện của xã mình, phân công rõ trách nhiệm, chủ động làm theo lộ trình, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, tăng cường kiểm tra giám sát nên triển khai thuận lợi.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về nông thôn mới phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau, gắn với từng địa phương, nhóm tiêu chí, nội dung cụ thể; khai thác tốt hơn các nguồn lực, ưu tiên đầu tư một số tiêu chí trước đây khó thực hiện và nâng cao một số tiêu chí đang ở mức tối thiểu. Phát huy các ngành nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm thế mạnh, các địa phương cần thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác góp phần xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản hiệu quả cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.... làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, tạo quyết tâm mới để đạt các mục tiêu cao hơn, khó hơn trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo được sự đồng thuận, khí thế mới để có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều chuyển biến nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp; cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; kinh tế nông thôn từng bước phát triển; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư; vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, an ninh trật tự và quốc phòng được bảo đảm./.

                                                                                         Thu Hà