00:00 Số lượt truy cập: 3040725

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang 

Được đăng : 15/08/2023
Chương trình xây dựng nông thôn mới được xem là một cuộc cách mạng phản ánh sức mạnh của toàn dân bên cạnh sự sáng tạo, chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Bức tranh nông thôn mới đến nay đã có một diện mạo mới toàn diện, trong đó, những sắc thái nông thôn được thông qua công tác truyền thông cùng với nhiệm vụ giám sát, nắm bắt và định hướng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phổ biến kịp thời, hiệu quả, tạo ra giá trị cốt lõi trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.

img2008 

Tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, người dân nơi đây đã xác định công tác tuyên truyền là một trong những công đoạn vô cùng quan trọng. Thông qua các hội nghị họp thôn cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và khi gặp những vướng mắc, khó khăn, Ban phát triển thôn đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con, nhân dân hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời thông qua hệ thống truyền thông của thôn đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Thôn đã phát động phong trào “ngày chủ nhật xanh” thông qua hệ thống phát thanh của thôn. Hàng  tuần, người dân chủ động đến đúng giờ để cùng nhau dọn dẹp, làm đẹp đường làng, ngõ xóm. Mặc dù địa bàn thôn Ngọt có trên 95% là người đồng bào dân tộc Sán Dìu nhưng lại là một trong những thôn về đích nông thôn mới đầu tiên của Huyện, kết quả đó thể hiện sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân, hiệu quả của việc tuyên truyền mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ kế hoạch  tuyên truyền sâu rộng trong từng hộ dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững, người dân nơi đây đã chúng sức, chung lòng, đóng góp ngày công, kinh phí để làm đường. Đến nay, 100% đường làng được bê tông hóa, ven đường được trồng hoa và vẽ các bức họa trên tường bao, 100% các trục đường chính được lắp đặt hệ thống ánh sáng.

Với việc xây dựng mô hình tự quản, mỗi người dân là một cán bộ tuyên truyền, mỗi gia đình là một kênh thông tin cùng với lợi thế rộng lớn của địa bàn huyện Lục Ngạn đã góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới được truyền tải thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc và đạt hiệu quả cao. Với mô hình tổ tự quản, tại xã Hồng Giang đã thành lập được 18 tổ tự quản ở 17 thôn với hàng trăm thành viên tham gia. Là một huyện miền núi, diện tích rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa thực sự phát triển. Xác định điểm mạnh, lợi thế của địa phương để vận dụng vào việc xây dựng nông thôn mới và yêu cầu đặt ra là công tác thông tin, tuyên truyền không chỉ có vai trò phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước mà còn định hướng cách làm, tiêu chí phù hợp với yêu cầu của địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là một thái độ chính trị đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mà còn là sự chọn lựa đầy bản lĩnh của người nông dân. Chỉ có ý chí chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới thì mới nhanh chóng thay đổi số phận của người nông dân. Biến giọt nước mắt lặng lẽ hôm qua trở thành nụ cười rạng rỡ ngày mai. Đó cũng là khát vọng một đất nước giàu đẹp của mỗi người dân, khát vọng ấy náo nức vẫy gọi, ân cần, ấp ủ để mỗi người dân Việt Nam hướng về nhau, tìm đến nhau trên hành trình bay cao và vươn xa cùng nhân loại./.

Minh Phương