Anh Đinh Văn Thơ là nông dân trẻ tiêu biểu người đồng bào dân tộc Hre tại xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà phát triển mô hình chăn nuôi vịt để thoát nghèo
Thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo được tỉnh thực hiện thông qua các hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát sóng chuyên mục trên truyền hình, chuyên mục trên các báo, đưa tin bài trên các cổng thông tin điện tử); tổ chức Hội nghị tuyên truyền thúc đẩy phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "vì một Việt Nam không còn nghèo đói"; tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nói chuyện tuyên truyền nâng cao nhận thức thoát nghèo; tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố; công tác giảm nghèo cũng được tổ chức tuyên truyền qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với nhân dân, giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với cử tri. Từ đó, các dự án, chính sách giảm nghèo, chương trình xây dựng NTM đã đi vào thực tiễn, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, nhất là người dân đã dần thấy được trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo, xây dựng NTM và đã tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 07 lớp tập huấn cho hơn 900 cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Bên cạnh dó, cấp huyện cũng đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 702 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo. Qua đó, các nội dung của dự án, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được truyền tải cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nắm bắt và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ đến cộng đồng và người dân.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025, có thêm 01 huyện miền núi thoát nghèo; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội…
Năm 2023 tỉnh sẽ tăng cường thực hiện truyền thông về giảm nghèo đa chiều, chương trình xây dựng NTM. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, gương sáng trong phong trào thi đua giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Phòng LĐ-TB&XH các huyện dự kiến tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, toàn xã hội về công tác giảm nghèo tại 11 xã, thị trấn; tổ chức đối thoại về giảm nghèo tại cơ sở; phát hành tờ rơi về các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện các chương trình truyền thông, vận động người dân hiểu rõ, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội; chuyển đổi phương thức canh tác, sản xuất theo hướng khoa học, phát triển chuỗi giá trị, tăng cường gắn kết quân dân, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận lòng dân, quốc phòng và an ninh nhân dân. Truyền thông, tuyên truyền về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2021-2025 Quảng Ngãi có 52 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sơn Tây và Trà Bổng là 2 huyện miền núi nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước, nhiều xã nằm cách xa trung tâm huyện, đường sá xuống cấp, đi lại khó khăn, vào mùa mưa lũ thường bị chia cắt cô lập. Vượt qua khó khăn, các xã đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, với sự chủ động của các địa phương, nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt đã được triển khai bước đầu gặt hái những kết quả khả quan không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà quan trọng hơn là góp phần chuyển biến nhận thức của người dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các ban ngành địa phương tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện 1 số mô hình kinh tế hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho bàn con, giúp bà con phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.
Mới đây, UBND huyện Sơn Tây tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với hơn 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây. Tại hội nghị đối thoại, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nêu nhiều ý kiến có nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo tại địa phương. Trong đó nhiều ý kiến liên quan đến quá trình thụ hưởng các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, xây, sửa nhà; vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; các chương trình hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động; các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục đối với hộ nghèo, cận nghèo…
Sau khi tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của người dân, đại diện lãnh đạo UBND huyện, các ban, ngành, cơ quan chức năng và địa phương trả lời cụ thể từng nội dung, ý kiến một cách thỏa đáng, đồng thời, mong muốn bà con tự giác nỗ lực lao động, sản xuất dưới sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đồng thời tham gia xây dựng NTM tại địa phương.
Thu Hà