00:00 Số lượt truy cập: 3040680

Xây dựng nông thôn mới thông minh tại tỉnh Thanh Hóa 

Được đăng : 26/07/2023
Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025 để triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được coi là nền tảng vững chắc để các địa phương tiếp tục xây dựng xã nông thôn thông minh.

z45434531226953df3d42c3f337e458d2962ba7d97334f

Trạm y tế xã Đông Khê

Tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hơn một năm nay người dân đi khám chữa bệnh chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân quét mã QR CODE máy tính sẽ tích hợp mọi thông tin cần thiết thực hiện quản lý hệ thống tiêm chủng trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, đầu năm 2023, trạm y tế xã Đông Khê còn liên kết với bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám bệnh từ xã cho người dân có nhu cầu, triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội. Ngoài ra trạm y tế còn đầu tư trang thiết bị hiện đại để đáp ứng tốt việc khám chữa bệnh tại cơ sở cho người dân. Đây cũng là một trong những đơn vị được Huyện Đông Sơn lựa chọn làm đơn vị điểm trong chuyển đổi số, góp phần hoàn thành tiêu chí nổi trội của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bác sỹ Lê Văn Thắng - Trạm trưởng trạm y tế xã đông khê, huyện Đông Sơn nói: “Theo kế hoạch tới, để tiếp tục xây dựng nông thôn mới thông minh, ngành y tế được giao nhiệm vụ tăng cường chuyển đổi số, tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, tổ chức đào tạo, tập huấn, sự dụng các trang thiết bị hiện đại cho cán bộ để bắt kịp với xu thế chung”. Ngoài việc chuyển đổi số trong y tế, hơn 90% người dân xã Đông Khê, huyện Đông Sơn đã sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài chức năng nghe, gọi của chiếc điện thoại thông minh, người dân còn dùng để thanh toán các loại hóa đơn mua sắm thông qua việc quét mã QR CODE, từ đó người dân đã dần quen với cách giao dịch, mua bán qua internet giúp nhu cầu tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại thôn 4, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa là thôn thông minh đầu tiên của xã nông thôn mới kiểu mẫu, mức độ số hóa tại Thiệu Trung thực sự gây ấn tượng với bất kỳ ai tới nơi này. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn với diện tích 500 m2 được lắp đặt hệ thông wifi tốc độ cao để phục vụ học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ những mô hình làm kinh tế phát triển tốt, tra cứu thông tin cần thiết của người dân. Mọi thông tin dễ dàng được chuyển tải đến từng người dân qua mạng xã hội như nhóm zalo, hệ thống điện thắp sáng cũng được bật, tắt theo giờ, tình hình an ninh, trật tự trong thôn đều nắm được thông qua hệ thống camera. Tỉ lệ sử dụng wifi của các hộ dân đạt tới 90%. Ông Nguyễn Xuân Giao, Bí thư chi bộ, trưởng thôn 4 xã Thiệu Trung nói: “Từ ứng dụng số trong thôn thông minh, đã giảm rất nhiều thời gian, công sức cho cán bộ thôn. Trước đây, phải đến từng nhà gọi, đến nay chỉ cần thông báo trên nhóm zalo, thông báo trên phương tiện truyền thanh được cài đặt sẵn là toàn bộ người dân đã nắm được thông tin. Từ ngày lắp hệ thống camera những việc trộm cắp vặt đã không còn, công tác vệ sinh môi trường cũng gọn gàng, sạch sẽ. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý một cách nhanh chóng”.

Ngày 12/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND về tiêu chí thôn thông minh và tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thông thông minh phải đáp ứng đủ tiêu chí về hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G, 4G đến thôn. Cán bộ thôn phải ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên  truyền, có ít nhất một mô hình ứng dụng thông tin chuyển đổi số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong thôn. Có mô hình ứng dụng số vào một trong các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… ngoài ra, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các mô hình dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số thiết yếu đạt 70% trở lên. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên, tỷ lệ nhà ở trong thôn được gắn mã địa chỉ theo nền tảng bản đồ số đạt 100% . Đây cũng là những tiêu chí cứng bắt buộc để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới thông minh được xác định là bước tiến bền vững nhằm mục tiêu hiện đại hóa nông thôn, do vậy các địa phương trong toàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn, qua đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Phạm Trường