00:00 Số lượt truy cập: 2637537

Xây dựng quy trình thâm canh cây hồ tiêu kết hợp chương trình IPM theo hướng Viet GAP tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa 

Được đăng : 22/03/2019
Đến thăm ông Tô Thái Nê, 73A/13 Nguyễn Thái Học, TP Cam Ranh, Khánh Hòa ông cho biết hiện nay, quy trình đầu tư thâm canh cây hồ tiêu của nông dân rất tốn kém, với lượng phân bón quá cao (Kali, NPK) gây nên tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng (thừa đạm, kali, thiếu các nguyên tố trung vi lượng) nên cây hồ tiêu phát triển không khỏe hay bị sâu bệnh tấn công. Việc lạm dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh vừa gây hại đến các loài côn trùng sinh vật có ích có khả năng tiêu diệt sâu bệnh hại vừa gây lãng phí tiền bạc. Vấn đề đó đã dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, gián tiếp làm suy thoái đất và hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao như mong muốn. Từ những lý do trên, bản thân ông sau nhiều năm n

 

1.Tính mới của giải pháp:

Thời gian thực hiện mô hình sáng kiến: Từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 2 năm 2015, 2 vườn thực hiện cùng thời gian.

Vật tư, vật liệu triển khai: 13.000m2 hồ tiêu có trồng xen canh cây che bóng, cây cà phê 7 năm tuổi. Trong đó 10.000m2 cho mô hình áp dụng sáng kiến, 3000m2 làm vườn đối chứng. 

Để tiện cho việc so sánh và đối chứng, các số liệu tính toán dưới đây được quy đổi ra 10.000m2 hồ tiêu trồng mật độ 2000 trụ/ha (2m x 2,5m).

Vườn mô hình thí điểm: Dùng 20 tấn phân hữu cơ (phân chuồng và phân rác), 800kg vôi, 500kg lân vi sinh, 500kg lân supper, 400kg ure, 600kg SA, 400kg KCL, 400kg NPK, 90 gói tổ hợp trung, vi lượng VLL cung cấp đủ S, Mg, Cu, Zn, Fe, Mn, Bo, Mo… 

Mô hình đối chứng: Dùng 10 tấn phân chuồng, 350kg ure, 600kg lân supper, 180kg KCL, 1600kg NPK 20:20:15, 500kg vôi, 6 lít thuốc cỏ, 8kg thuốc basidin 10H, 4 chai thuốc Mancozeb, 6 chai thuốc Agri-fos 400, 20 gói thuốc Ridomil Gold 68 WP, 90 gói thuốc trừ sâu Regent (1g) và 90 gói thuốc trừ bệnh StarNew (10g)/ha/vụ.

Quy trình thực hiện mô hình sáng kiến

Lượng phân và cách bón phân (tính cho cây hồ tiêu kinh doanh 5 năm tuổi/năm)

Bón thúc lần 1:

 Sau thu hoạch 1 tháng (tháng 4) tiến hành cắt tỉa, vệ sinh vườn, bón toàn bộ phân lân supper, phân hữu cơ, vôi (đào rãnh theo giữa hàng tiêu sâu 20cm rộng 20cm, rải phân theo thứ tự: lân, phân hữu cơ, vôi và lấp đất).

Bón thêm 10% các loại phân trong tổng số phân đã chuẩn bị gồm: ure, SA, KCL, lân vi sinh, NPK (trộn đều và rải lên toàn bộ bề mặt bồn của trụ tiêu sau đó xới, trộn để vùi phân đồng thời làm đứt rễ tiêu già kích thích các rễ tiêu non phát triển). Cuối cùng là vun đất vào trụ tiêu, lấp phân lại và phun 30 gói vi lượng VLL.

Bón thúc lần 2 (tháng 6), lần 4 (tháng 10): Gồm 20% trong tổng số phân gồm: ure, SA, KCL, lân vi sinh, NPK, cách bón như lần 1.

Bón thúc lần 3 (tháng 8), lần 5 (tháng 10): Gồm 25% trong  tổng số phân ure, SA, KCL, lân vi sinh, NPK, cách bón như lần 1 sau đó phun thêm 30 gói vi lượng VLL cho mỗi lần bón thúc phân.

Không sử dụng thuốc cỏ, không làm sạch cỏ mà chỉ dùng máy phát cỏ khi thấy cỏ quá cao (thông thường 2 lần/năm). Sử dụng bẩy, bả diệt côn trùng gây hại. Không sử dụng thuốc hóa học (thuốc trừ sâu, bệnh).

Quy trình thực hiện mô hình đối chứng

Tất cả số phân chia làm 4 lần/năm để bón, cuốc nhẹ xung quanh bồn, rải phân lấp sơ đất nhằm hạn chế việc làm đứt rễ tiêu. Phun thuốc cỏ 2 lần/năm, làm sạch cỏ trong vườn. Đầu và cuối mùa mưa rải thuốc basudin 10H. Thuốc sâu bệnh phun luân phiên theo định kỳ.

2. Hiệu quả của giải pháp

- Hiệu quả kinh tế:

Vườn mô hình sáng kiến: 

Đầu tư: 162.102.000 đồng/ha

Năng suất đạt 5 tấn/ha. 

Thu 975.000.000 đồng

Nông dân lãi 812.898.000 đồng.

Vườn mô hình đối chứng:

Đầu tư 171.590.000 đồng/ha

Năng suất đạt 3,5 tấn/ha. 

Thu 682.500.000 đồng

Nông dân lãi 510.910.000 đồng.

Như vậy vườn mô hình áp dụng sáng kiến đã cho năng suất hồ tiêu cao hơn, chi phí đầu tư ít hơn và tất nhiên lợi nhuận thu về sẽ cao hơn so với vườn đối chứng. Với lợi nhuận cao thu được từ cây hồ tiêu đã góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo một cách nhanh chống cho huyện Khánh Sơn. 

- Hiệu quả kỹ thuật:

Thành phần phân bón

 Theo bảng hạch toán, vườn đối chứng bón 308kg N, 152kg P2O5, 216kg K2O. Tỷ lệ N:P:K 2:1:1,4 là không hợp lý gây lãng phí và với lượng N quá dư thừa cộng với việc không bổ sung các nguyên tố trung vi lượng (đặc biệt Ca và S) nên đã làm hồ tiêu phát triển mất cân đối thân lá rậm rạp dẫn đến gia tăng sâu bệnh mà năng suất chất lượng lại thấp. 

Vườn áp dụng mô hình sáng kiến đã khắc phục hoàn toàn các nhược điểm trên. Bón phân theo tỉ lệ N:P:K là 2:1,2:1,8 và bổ sung các nguyên tố trung vi lượng (đặc biệt là Ca và S) nên cây hồ tiêu phát triển cân đối đồng đều ít sâu bệnh, năng suất và chất lượng hồ tiêu cao.

Trước khi thực hiện mô hình áp dụng sáng kiến thì cả hai vườn hồ tiêu có tỷ lệ sâu bệnh hại đồng đều. Trong quá trình áp dụng sáng kiến ông ghi nhận: Thời gian 2 tháng đầu vườn mô hình áp dụng sáng kiến xuất hiện mật độ rệp sáp nhiều hơn vườn đối chứng. Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi thì ngược lại, mật độ rệp sáp, bệnh thán hư, bệnh vàng lá ở vườn mô hình ít biến động và giảm hơn so với vườn đối chứng. Đặc biệt đối với bệnh chết nhanh chết chậm hồ tiêu không thấy xuất hiện tại vườn mô hình, trong khi vườn đối chứng có xuất hiện bệnh ở mức độ thấp khoảng 1-2%.

- Hiệu quả xã hội, môi trường:

Vườn mô hình không sử dụng thuốc hóa học giúp cho môi trường sản xuất sạch, bền vững và cho ra nông sản sạch.

Với việc quản lý cỏ dại tốt đã giảm được xói mòn cho đất, tạo điều kiện thuận lời cho các loài côn trùng có ích phát triển để chúng tiêu diệt sâu bệnh hại hồ tiêu, giúp bảo vệ môi trường trong sạch.

3. Khả năng áp dụng:

Nếu được nghiên cứu, bổ sung, cải tiến thêm có khả năng áp dụng cho các cây trồng có giá trị cao như sầu riêng, mít nghệ, cà phê, mía tím. Khả năng áp dụng sẽ rất cao, rất rộng trong phạm vi toàn xã, toàn huyện, toàn tỉnh và có thể trong toàn quốc.Liên hệ ông tác giả Tô Thái Nê, điện thoại: 0982473179

V.L