Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) đẩy mạnh vận động hội viên thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ở ngay trên vùng đất quê hương, chị Lò Thị Tâm (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu) quyết tâm khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2016, trên diện tích hơn 2ha đất đồi, gia đình chị đã tiến hành lai ghép, cải tạo toàn bộ giống xoài, nhãn địa phương bằng những loại giống tốt như nhãn chín muộn, xoài đài loan... và trồng thêm các loại cây ăn quả khác như mít thái, chuối… "Sau 4 năm làm thì cũng rút ra được một số kinh nghiệm, mình làm chủ yếu để trang trải cuộc sống gia đình, mình phải nắm bắt được kỹ thuật để canh tác, học hỏi, tìm tòi về trồng cây ăn quả, về thời vụ chăm sóc, thời điểm nào nên chăm sóc như thế nào mới đem lại được hiệu quả kinh tế. Sau hơn 4 năm cải tạo và chăm sóc, mỗi năm, doanh thu từ mô hình kinh tế mang lại hàng trăm triệu đồng. ", chị Tâm chia sẻ.
Kế đến, mô hình nuôi gà thả vườn của chị Lò Thị Hoa, (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi, nhất là tiêm phòng vắc xin đầy đủ và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, mỗi năm chị Hoa xuất bán được khoảng 2.000 con. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 120 triệu đồng.
Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cùng với lá mía của người dân thu hoạch sau mỗi vụ vứt thừa thãi, hoang phí. Bằng nguồn vốn của gia đình, cộng với số tiền vay từ họ hàng, bà Lò Thị Hạnh (xã Yên Sơn, huyện Yên Châu) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò 3B vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng. "Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo bài bản, khoa học nên đàn bò của bà Hạnh lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Năm vừa qua, gia đình tôi bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 55- 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", bà Hạnh hồ hởi nói.
Phát triển chăn nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.. Ảnh
Theo tìm hiểu, hướng đi cốt lõi của địa phương là chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, nhất là chủ trang trại. Vận động hội viện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tập trung dạy nghề theo hướng khởi nghiệp để nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện và yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng cơ cấu thị trường lao động. Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thông qua mạng xã hội để học hỏi, nắm bắt.
Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu cho biết, để giúp các hội viên phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định từ các mô hình kinh tế, hàng năm Hội Nông dân huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên học tập nâng cao kiến thức trong sản xuất. Trọng tâm là tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để hội viên tiếp cận và sớm thích ứng với việc sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Đến nay, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã đạt bình quân 13,14 tiêu chí/xã về xây dựng nông thôn mới (tăng 0,43 tiêu chí/xã so với năm 2021). Trong đó, có xã Chiềng Khoi, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Sàng đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt 10-14 tiêu chí; 2 xã đạt 9 tiêu chí
Văn Ngọc