Có thể ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ gia đình
So với cả nước, ĐBSCL có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, với khoảng 1,6 triệu ha lúa, 360 nghìn ha cây ăn trái, hơn 900 nghìn ha nuôi trồng thủy sản cùng hàng nghìn ha chăn nuôi gia súc, gia cầm góp phần lớn cho nền kinh tế quốc dân. Cùng với sự tăng trưởng về năng suất, sản lượng sản phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thì vấn đề xử lý phế phụ phẩm đang rất được quan tâm. Nếu không có giải pháp xử lý triệt để thì sẽ gây nguy hại lớn cho môi trường và tạo một sự lãng phí lớn đối với nguồn tài nguyên này.
Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, theo đánh giá của nhà vi sinh vật học, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó trưởng Bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, “vỏ tôm, vỏ cua chính là nguồn chiết xuất Chitosan rất lớn. Chitosan bên thuỷ sản đưa vào sử dụng ở lĩnh vực trồng trọt thì rất hiệu quả. Ví dụ tôm xuất khẩu sẽ được lột bỏ vỏ để xuất khẩu thì chỉ cần phơi khô, sấy khô phần vỏ, sau đó, nghiền nhuyễn ra là có thể trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất phân bón phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thậm chí, nó có chức năng diệt tuyến trùng trong đất. Hiện nay, hoạt chất này tuy rất hiệu quả nhưng chưa được tận dụng hết”.
Với phế phụ phẩm trong chế biến trái cây, khi chúng ta sử dụng dinh dưỡng từ hạt, trái cây thì chúng ta trả lại phần không dùng đến cho đất, giúp bề mặt đất bền vững. “Cơ chế mà chúng ta làm là phải nghiền nhuyễn ra để mau phân huỷ. Sau đó, ủ với men vi sinh để biến nó thành một sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng trong nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt các loại rơm, vỏ sầu riêng, xoài, … cũng là một loại tài nguyên vô cùng quý giá cung cấp chất hữu cơ trở lại cho đất. Sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm này chúng ta sẽ làm nông nghiệp tuần hoàn và không phải bỏ đi bất cứ thứ gì” - TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc chia sẻ.
Từ khi được Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ quy trình ủ phân hữu cơ sinh học từ các loại phế thải này, Công ty chế biến nông sản Cát Tường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) mừng như như nhặt được vàng. Bởi công ty không mất nhiều tiền để xử lý rác thải, xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn có được nguồn phân bón quý giá để bón cho hơn 100ha cây thanh long và các loại rau quả thuỷ canh. Hiện công ty đã ủ và xử lý thành công khoảng hơn 100 tấn vỏ xoài thành phân hữu cơ sinh học, rất hiệu quả. Trước đó, vấn đề xử lý phế phẩm như vỏ xoài, thanh long hỏng, vỏ sầu riêng… khiến công ty mất nhiều tiền để xử lý vì xem chúng như là một loại rác thải.
Giám đốc Công ty Đoàn Văn Sang phấn khởi cho biết: “Tôi thấy quy trình này tận dụng được các chất thải hữu cơ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả. Ban đầu, một vài ngày chưa xử lý kịp nên phát sinh một vài sự cố khiến bà con xung quanh hơi phiền hà. Tuy nhiên, được sự giải thích của các nhà khoa học nên ngành chức năng và bà con đã hiểu được những chất hữu cơ này không nguy hại mà còn là nguồn tài nguyên phân bón rất tốt. Một vài ngày đầu có vẻ có mùi hôi. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các vi sinh vật sẽ phân huỷ chúng thành chất hữu cơ, trả về mùi thơm tự nhiên. Về phía doanh nghiệp chúng tôi rất ủng hộ và thực hành tốt quy tình xử lý chất thải hữu cơ và tận dụng chúng như thế này”.
Trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm, việc xử lý phân gia súc thành phân trùn quế được rất nhiều hộ, công ty chăn nuôi đã và đang thực hiện rất hiệu quả. Công ty cổ phần Trang Trại Sạch (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), thời gian qua đã khởi nghiệp thành công từ mô hình biến phân bò thành phân trùn quế, đất sạch có giá trị gấp hàng chục lần, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn do hoạt động chăn nuôi. Quy trình của anh Vinh là sử dụng các chất thải như phân bò, phân gà, phân heo, rau củ hư hỏng… xử lý qua công nghệ Lignin. Bằng công nghệ này, anh thu được đạm thực vật. Sau đó, dùng chúng kết hợp với men vi sinh để nuôi trùn quế. Sản phẩm đầu ra của anh là phân trùn quế, trùn thịt, trùn giống và đất sạch. Đây là những mặt hàng đang có nhu cầu cao trên thị trường. “Để làm nông nghiệp sạch đầu tiên là xử lý những chất thải nông nghiệp, biến nó thành sản phẩm có giá trị và giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn do hoạt động chăn nuôi”. Anh Vinh khẳng định
Hiện nay, trang trại của anh Vinh còn liên kết với hàng trăm nông hộ ở ĐBSCL để sản xuất phân trùn quế từ các chất thải hữu cơ, nhất là phân bò. Tại các điểm liên kết, nông dân ngoài sử dụng nguồn chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình còn thu mua từ các nông hộ xung quanh, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, nhất là những tháng mùa mưa.
Như vậy, việc xử lý và tận dụng chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là cách khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Đây là cách làm giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng sản xuất, nhất là chi phí về môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có được một lượng phân bón khá lớn có thể dùng tái đầu tư sản xuất hoặc bán thu hồi chi phí. Do đó, những công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp đang được quan tâm, tận dụng triệt để.
Quốc Anh