00:00 Số lượt truy cập: 2985371

Xử lý ra hoa đậu quả trên cam đường canh 

Được đăng : 10/08/2018
Hỏi: Tôi cần phải làm gì để cam đường canh đậu quả nhiều, hạn chế sâu bệnh? Trịnh Văn Tuất (Lý Nhân, Hà Nam)

Đáp:

Hiện rất nhiều địa phương trồng Cam canh bởi đây là loại quả phổ biến và cho năng suất rất cao nếu áp dụng đúng các bước kỹ thuật trồng cơ bản và khoa học nhất. Trồng cây Cam canh nếu muốn đạt năng suất cao thì cần phải chọn giống một cách cẩn thận. Trước hết cây giống phải khỏe, mập không mang mầm mống bệnh, có bộ rễ khỏe, cây giống có chiều cao trung bình từ 40-60cm.

Trong quá trình trồng cây Cam thì việc xử lý đào rễ quanh gốc Cam là bắt buộc. Tuy nhiên, có thể áp dụng phương pháp mới vẫn đem lại hiệu quả kinh tế đó là phương pháp dùng phân Kali phối hợp khoanh cành. Ban Biên tập xin giới thiệu cùng bà con kinh nghiệm xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường canh của ông Bùi Đức Long ở phố Kép, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang như sau:

Giải pháp này dựa trên đặc tính sinh trưởng riêng biệt của cây Cam đường Canh, điều kiện cần và đủ để cây Cam có thể ra hoa, kết trái là phải làm cho suy yếu một thời gian nhất định để cây phân hoá mầm hoa.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, năm 2010, ông Long đã nghiên cứu và thí nghiệm phương pháp xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh. Với phương pháp này, chủ vườn không cần đào rễ mà dùng phân kali phối hợp với khoanh cành. Lúc đầu, ông Long thí điểm trên 20 gốc. Cuối tháng 11 âm lịch, khi cây bung gần hết lộc non, ông dùng kali sunfat pha theo nồng độ 0,1kg với 20 lít nước phun ướt đều trên bề mặt lá.

Sau khoảng 7-10 ngày, tiến hành tưới kali clorua dưới gốc theo tỷ lệ 0,2kg hòa với 8 lít nước/1m đường kính tán lá, tưới đều từ tán cây trở vào gốc. Sau 10 ngày tưới, lá cây chuyển từ màu xanh sang vàng nhẹ thì dùng dao mỏng tiện một vòng cách gốc 0,3 - 0,4m để cây suy yếu tạm thời, giúp cây tích tụ dinh dưỡng và kích thích ra hoa.

Từ 15 - 20 ngày sau khi cây phân hóa mầm hoa thì phun kích thích ra hoa theo khuyến cáo. Sau khi hoa nở bung hết khoảng 1 tuần thì tiện gốc lần hai, nếu cây yếu thì để lại 1-2cm vỏ. Kết quả, cả 20 cây cam đều sai quả. Vụ cam năm 2011, ông Long đã mạnh dạn áp dụng phương pháp này trên 1.000 cây, đến nay, ông đã áp dụng cho cả 5ha với 10.000 gốc cam.

So sánh giữa phương pháp mới và phương pháp truyền thống thì năng suất, chất lượng hiệu quả cam tăng lên và tỉ lệ cây Cam mắc bệnh rất ít, không ảnh hưởng tới môi trường, dễ dàng áp dụng, làm giảm đáng kể chi phí mướn nhân công, ước tính hàng năm tăng thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Áp dụng phương pháp xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Canh, ông giảm được gần 70 triệu đồng tiền nhân công/5ha cam. Còn cây thì ra hoa nhiều hơn, tỷ lệ đậu quả đạt cao hơn. Trong khi đó, cây ít mắc bệnh, năng suất tăng, mã quả đẹp, giảm tỷ lệ quả nứt nên tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, người trồng cam chủ động được thời gian thu hoạch do vậy có lợi về giá bán./.

BBT