Vườn cây sầu riêng của gia đinh ông lúc nào cũng trĩu quả
Nằm ở phía thượng lưu sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy nổi tiếng quanh năm trái ngọt cây lành; là vựa lúa, vựa trái cây đặc sản và nhiều nguồn nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu khác. Nếu Tiền Giang là “thủ phủ sầu riêng” của cả nước (với diện tích hơn 14.000 ha) thì Cai Lậy là “thủ phủ sầu riêng” của Tiền Giang (diện tích hơn 10.500 ha).
Trong thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động mạnh, cao điểm trong mùa khô 2019-2020, huyện Cai Lậy lần đầu tiên đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ có những giải pháp phù hợp, nhất là chuẩn bị sớm, nhiều diện tích sầu riêng đã được cứu sống kịp thời, thu nhập của người dân có giảm so với mọi năm nhưng không quá nặng nề. Ông Mai Văn Âu là một gương nông dân điển hình của xã Hiệp Đức có kỹ thuật canh tác cây sầu riêng tiến bộ, thích ứng với hạn mặn. Trong dịp thăm vườn sầu riêng của ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi vì đã có những sáng tạo né hạn, mặn rất thành công.
Mùa hạn mặn lịch sử năm nay được người dân đánh giá là chưa từng xuất hiện ở địa phương này. Tuy độ mặn không cao nhưng đủ để làm chết cây sầu riêng. Bình quân độ mặn từ 0,5‰ trở lên, kéo dài từ rằm tháng giêng đến khoảng tháng 5 âm lịch.
Gia đình ông Âu đã chủ động ứng phó từ trước nên giảm thiểu được thiệt hại so với các nơi khác. Hơn nữahuyện, xã đã hỗ trợ, thuê sà lan chở trên 26.000 m3 nước ngọt từ nơi khác về phục vụ cho bà con có nước sinh hoạt và tưới vườn cho người dân tưới sầu riêng. Để chủ động nước tưới, ông Âu đã dành khoảng 500-700 m2 trong vườn để đào mương trữ nướcTrước Tết khi nước mặn chưa đến, ông thường xuyên nghe đài, xem báo cập nhật hàng ngày tình hình nước mặn. Ông đã thuê người khơi móc mương sâu, dự trữ nước đầy. Vừa ra Tết, khi hạn mặn xuất hiện, nước trong mương đã dự trữ đầy nên tưới cầm cự được gần hai tháng, cây sầu riêng "đứng vững" hơn. .
Điều quan trọng, ông đã tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm qua để tranh thủ xử lý cả vườn sầu riêng ra trái vụ. Sầu riêng mùa thuận thường vào tháng 1-4 âm lịch còn mùa nghịch từ tháng 8-12 âm lịch. Thông thường nếu để cho cây ra quả và thu hoạch thuận mùa thì thời điểm cây mang trái thường vào những tháng cao điểm của hạn, mặn. Vì vậy, cây sẽ không đủ sức chống chịu với khô hạn kéo dài khi nước mặn tấn công. Sầu riêng sẽ rụng trái, chết cây hoặc chất lượng trái giảm rõ rệt như cơm không vàng, không có cơm, múi lép…
Để xử lý trái ra nghịch vụ, vào khoảng cuối tháng âm lịch, lúc mặn chưa hết, ông Âu đã mạnh dạn xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nghịch vụ. Kỹ thuật xử lý rất đơn giản, quy trình làm trái vụ là bón lân tạo mầm: “Khoảng 20 ngày sau, xịt thuốc tạo mầm trên lá. Xịt hai lần cách nhau từ 5-7 ngày. Sau đó, kéo mũ đậy mô. Xả nước trong mương ra cho cạn. Kế tiếp xử lý Paclobutrazol để ức chế sự sinh trưởng của cây. Lúc này cây chuyển từ trạng thái sinh trưởng sang trạng thái "sinh sản". Khoảng 20 ngày sau cây sẽ nhú nụ hoa và ra bông. Khi cây nhiều bông thì dở mũ ra. Đến 45 ngày thì sầu riêng bắt đầu xổ nhị. Vào thời điểm chiều tối, nếu không có mưa đêm thì quét thụ phấn hỗ trợ. Sau này, trái sầu riêng múi đầy và tỷ lệ rụng trái non rất ít. Bên cạnh đó, cũng phụ trợ thêm thuốc chống rụng trái non. Khi trái to cỡ ly uống trà thì bắt đầu bón phân, không nên bón sớm, vì nếu bón sớm thừa đạm thì dễ rụng trái non. Lúc này bón phân ít đạm, giàu kali, cao trung vi lượng. Khi trái to bằng cùm tay thì tuyển trái. Khi trái to thì bắt đầu chằng chống các nhánh để tránh gãy cành”.
Những kinh nghiệm, kỹ thuật đúc rút từ thực tiễn của ông Âu nhiều kỹ sư cũng phải thán phục. Ngoài ra, ông còn sử dụng phân hữu cơ bón cho cây sau khi thu hoạch xong giúp đất tơi xốp hơn, giữ nước tốt hơn. Năm rồi, trước khi mặn tấn công vườn ông đã bón được 3 lần phân hữu cơ nên cây sung sức, dinh dưỡng đầy đủ nuôi bộ rễ, đủ sức chống chịu với hạn mặn.
Do xử lý nghịch vụ để kết thúc mùa thu hoạch vào khoảng tháng 10-11 âm lịch nên tránh được hạn mặn. Trong khi xung quanh, các vườn sầu riêng đang vất vả khắc phục hậu quả của hạn, mặn thì vườn hơn 3.000m2 của ông Âu cho trái trĩu cành. Nhờ kỹ thuật canh tác này với 72 gốc sầu riêng mỗi năm ông Mai Văn Âu thu hoạch từ 9-11 tấn, năng suất cao hơn bình quân của xã từ 1,5 - 2 lần. Bán giá mùa nghịch từ 60.000-70.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông còn lời 500-700 triệu đồng. Nhờ trúng những vụ mùa sầu riêng, được mùa, được giá mà gia đình ông Âu đã cất được ngôi nhà khang trang trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Bình Minh