Ảnh minh họa
Trong 5 tháng đầu năm 2023, bất chấp những khó khăn, ngành nông nghiệp nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Về trồng trọt, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4.255,8 nghìn ha lúa, bằng 98,5% so với cùng kỳ; diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2.589,4 nghìn ha, bằng 99,2%; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,5 triệu tấn, bằng 100,7% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 67,4 tạ/ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi, ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 5 năm 2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
Về lâm nghiệp, cả nước trồng được 85,6 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: trồng mới rừng sản xuất đạt 84,3 ngàn ha, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6583,2 nghìn m3, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 5 tháng ước đạt 3.420,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản lượng khai thác ước đạt 1.583,1 nghìn tấn, giảm 0,3%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.837,2 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5/2023 ước đạt 4,85 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 779 triệu USD, giảm 25,9%; Giá trị xuất khẩu muối ước đạt 2 triệu USD, giảm 11,9%.Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4% (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022); Hoa Kỳ chiếm 19,8% và Nhật Bản chiếm 7,8%.
Về tình hình nhập khẩu, năm 2022 tổng sản lượng thịt nhập khẩu là 456.000 tấn (chiếm 0,7% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước). Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 123.000 tấn thịt.
Ngày 30/5/2023, tại cuộc họp Giao ban kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 5 năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì đã đưa ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp nước ta cán đích xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt chỉ tiêu đề ra là 55 tỷ USD.
Nhiệm vụ trọng tâm nhất trong những tháng cuối năm đặt ra cho toàn ngành đó là mở cửa thị trường. Tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y tăng cường tính chủ động để đàm phán thị trường cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp phải thay đổi phong cách làm việc theo hướng truyền thông tin đi nhanh hơn, để nhận lại thông tin nhanh hơn. Bên cạnh đó, người đứng đầu mỗi đơn vị phải phát huy vai trò của mình, tham gia ngay từ đầu việc xây dựng chiến lược, định hướng, đề án để nắm vững những nội dung cần triển khai, kịp thời điều chỉnh khi cần thiết, rút ngắn thời gian, nguồn lực, theo kịp với sự thay đổi liên tục của thị trường. Bộ trưởng cũng giao các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện những nội dung liên quan của đề án chuyển đổi số, chiến lược phát triển khoa học công nghệ.
Phương Anh