00:00 Số lượt truy cập: 2986230

Xuất khẩu sản phẩm từ mo cau 

Được đăng : 09/08/2022
Sinh ra ở vùng quê Núi Thành – Quảng Nam, lớn lên tại Phú Yên, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tuyến chọn cho mình một con đường để làm giàu mà hầu như chẳng hề liên quan đến nhừng gì anh đã được học trên ghế giảng đường đại học.

anh-tuyen-mo-cau1
Anh Tuyến đang nhập mo cau cho bà con nông dân

 Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ý thức được vấn đề rác thải và vệ sinh môi trường đang là những vấn đề nhức nhối của xã hội, cần những hành động chung tay của cả cộng đồng. Tham gia nhiều chương trình hành động vì môi trường do các tổ chức, đoàn thể, nhà trường vận động tổ chức  làm cho chàng sinh viên trẻ có định hướng cho mình sau này.

Ra trường, anh Tuyến vận động một số bạn bè tâm huyết thành lập công ty chuyên chế biến sản phẩm thân thiện với môi trường từ những phế, phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi thành những sản phẩm thân thiện với môi trường để đưa ra thị trường và xuất khẩu.

Phát hiện nhu cầu về giá thể trồng cây ở một số nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… rất cao, công ty của anh thu gom cùi bắp, bã mía, lá xoài khô xuất sang các nước để làm giá thể sản xuất nông nghiệp. Có những thời điểm, lá xoài khô được anh Tuyến mua với giá 1.000đồng/kg lá khiến cho câu chuyện thu gom lá xoài có lúc thành cơn sốt ở vùng Cam Lâm, Khánh Hòa.

Một lần về huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi, lạc vào xứ cau nơi đây cho anh Tuyến có một ý tưởng mới và độc lạ. Quảng Ngãi có hai vùng trồng cau nổi tiếng là "xứ ngàn cau" Sơn Tây, huyện Nghĩa Hành. Thế nhưng nhiều năm qua người dân chỉ thu hoạch trái cau để bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc. Mo cau rơi rụng chỉ được trẻ con lấy làm đồ chơi, hoặc bỏ đi, không mang lại giá trị kinh tế.

Anh Tuyến quyết định chọn Đồng Dinh để lập nghiệp và phát triển, anh thuê lại nhà xưởng của một cơ sở kinh doanh nay đã nghỉ. Anh nhập dây chuyền máy dập khuôn nhập máy làm chén đĩa từ mo cau của Ấn Độ để cùng hàng loạt các sản phẩm khác đã được mang về lắp ráp. “Ban đầu, tôi vừa là chủ, vừa là thợ. Kỹ thuật không quá phức tạp nên ngay cả những nữ công nhân cũng có thể đứng máy dập khuôn để cho ra các sản phẩm như thế này”, anh Tuyến  chia sẻ.

Và hơn hai năm qua, người dân ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành có thêm công việc mà họ chưa từng nghĩ tới, đó là nhặt mo cau đổi tiền. Mỗi chiếc mo cau được anh Tuyến thu mua với giá 1.000 đồng. Hàng nghìn chiếc mo cau được chuyển về nhà kính ở khu công nghiệp Đồng Dinh để lưu trữ nguyên liệu. Từ mỗi mo cau, xưởng anh Tuyến cho ra 1-2 sản phẩm chén, đĩa.

Mo cau sau khi thu gom được chà rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm, được đưa vào khuôn ép nhiệt khoảng 40 giây. Sau đó, người thợ dùng dao cắt theo đường viền, tạo hình cho sản phẩm. Mỗi ngày, xưởng anh Tuyến cho ra nhiều nhất khoảng 5.000 sản phẩm gồm các chủng loại nhưng đĩa hình chữ nhật, đĩa tròn, thìa, muỗng, chén lớn, nhỏ. Các sản phẩm này đủ độ chắc và không thấm nước, khử khuẩn, đóng gói trong trong bao nylon ép nhiệt, có thể đựng thức ăn, trái cây, mắm, muối, gia vị...

Sản phẩm của chén, đĩa mo cau chủ yếu được xuất ngoại sang một số nước như Ba Lan, Mỹ... Tháng 8 vừa qua, một doanh nghiêp ở Hải Dương đặt anh 200.000 sản phẩm từ mo cau với 16 loại gồm: chén, đĩa, muỗng, ly, quạt, khay, tổng trị giá 400 triệu đồng, để xuất đi Hàn Quốc. Hiện, chủ xưởng nhận đơn hàng với số lượng gấp đôi để xuất sang Canada. Việc sản xuất mới đạt một phần ba công suất nhà xưởng do thiếu nguyên liệu.

“Lâu nay mo cau không mang lại giá trị kinh tế. Do đó nhà máy của anh Tuyến vừa mang lại thu nhập, việc làm cho nông dân ở địa phương được xem là hướng đi mới, đầy triển vọng ở địa phương”, ông Phạm Quốc Vương, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghĩa Hành, cho biết.

 

Trường Giang